Công chứng vi bằng là gì?
Trích từ DiaOcOnline.vn
"Cầm trên tay quảng cáo rao bán nhà đất: “Nhà đổ hai tấm, bốn phòng ngủ, một phòng khách, bếp ăn, ngay đường Nguyễn Thị Sóc, xã Bà Điểm, chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn, giá 525 triệu đồng, giấy tờ hợp lệ, bao hợp đồng công chứng thừa phát lại”, chúng tôi được một “cò” đất tên T. dẫn đi xem nhà. Khác với lời rao, để đến được căn nhà trên, T. dẫn chúng tôi vòng vèo qua các con hẻm còn lởm chởm sỏi đá, đi sâu vào những khu vườn trồng rau, đến tận ấp 3, xã Xuân Thới Thượng. Khu nhà nằm lọt thỏm giữa ruộng trồng hoa màu gồm hai dãy nhà liên kế, mỗi bên khoảng năm-sáu căn nhà đang xây dựng dang dở. Về giấy tờ, “cò” T. bảo khu nhà này có sổ đỏ chung, nên không thể sang tên, tách thửa mà chỉ hợp đồng mua bán bằng “giấy tay” có kèm “công chứng thừa phát lại”. Khi được hỏi, hình thức này là như thế nào, T. cau có: “Các anh cứ mua nhà, đặt cọc xong sẽ biết, hỏi nhiều làm gì?”.
Tại ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (gần chợ Xuân Thới Thượng, đối diện khu dân cư Đại Hải) chúng tôi được “cò” H. dẫn đi xem một khu nhà xây trên nền đất ruộng nằm khuất sâu trong một con hẻm mới đổ đá. Tương tự như khu nhà vừa xem, "cò" H. cũng nói nếu chúng tôi đồng ý mua, sẽ ra làm hợp đồng mua bán “công chứng thừa phát lại”.
Nhiều ngôi nhà ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM được chủ xây dựng rao bán kèm theo cam kết lập mua bán có “công chứng thừa phát lại”
Lời bình
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có các tổ chức công chứng (phòng công chứng, văn phòng công chứng) mới có thẩm quyền công chứng. Còn về Thừa phát lại, đây là một chế định hiện đang được thực hiện thí điểm ở TP HCM. Trên địa bàn thành phố HCM hiện tại có 8 văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động. Căn cứ vào điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện tại TP HCM thì các văn phòng Thừa phát lại được quyền thực hiện các công việc bao gồm:
- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Như vậy, cụm từ "công chứng Thừa phát lại" mà các cò đất dùng để dụ khách hàng của mình nói trên không phải là một thuật ngữ pháp lý. Đó là một cách dùng từ sai và tùy tiện của các cò đất nhằm mục đích thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản mà họ tham gia. Xin nói thêm rằng, hiện nay, các văn phòng Thừa phát lại có lập vi bằng theo yêu cầu của khách hàng liên quan đến giao dịch bất động sản. Vi bằng đó có thể được lập để: Ghi nhận hành vi giao nhận tiền đặt cọc của các bên; Ghi nhận hành vi các bên ký tên vào hợp đồng đặt cọc hoặc ghi nhận các bên giao nhận tiền như một tiến trình trong việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng nhà đất...
Còn các giao dịch chuyển nhượng nhà đất khi chưa đủ điều kiện cấp sổ (không đủ điều kiện công chứng giao dịch) thì các bên có thể làm văn bản đặt cọc hoặc văn bản hứa mua bán, chuyển nhượng nhà đất với nhau nhằm sau này, khi nhà đất đủ điều kiện ký chuyển nhượng tại tổ chức công chứng thì các bên sẽ tiến hành việc ký kết văn bản chuyển nhượng chính thức tại tổ chức công chứng có thẩm quyền. Song song đó, các bên có thể yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền nhằm thực hiện thỏa thuận của các bên.
Như vậy, công chứng là công chứng, Thừa phát lại là Thừa phát lại. Đây là hai lĩnh vực pháp lý khác nhau và không thể gộp chung làm một với bất kỳ mục đích nào khác.