Liên tiếp vụ trẻ rơi chung cư: Dấu hỏi cho an toàn từ chính tổ ấm?
Liên tiếp vụ trẻ rơi từ chung cư
Một vụ việc thương tâm vừa xảy ra sáng 1/5, tại một chung cư cao tầng trên địa bàn Quận Nam Từ Liêm. Một bé trai khoảng 3 tuổi ở nhà cùng người anh trai khoảng 10 tuổi. Sau đó, người anh trai sang nhà hàng xóm chơi và khóa cửa để cháu bé ở nhà, trong lúc đó cháu bé đã trèo lên ô thoáng nhà vệ sinh rồi không may rơi xuống đất, tử vong.
Trước đó, tối 3-3, một bé trai 5 tuổi đã bất ngờ rơi từ cửa sổ phòng 306, tòa nhà Rice City – Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xuống dưới sảnh tử vong.
Cũng tương tự vụ việc trên, 23/12/2018, một bé gái rơi từ tầng cao chung cư Thủ Thiêm Sky ở Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, quận 2) xuống đất. Chung cư này cao 16 tầng. Thời điểm xảy ra vụ việc mẹ bé gái vừa ra khỏi nhà được ít phút. Căn hộ này có lan can cao khoảng 1,2m.
Trước đó, tháng 11.2018, tại chung cư NO3 (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), người dân phát hiện một bé trai 5 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 7 của tòa chung cư xuống đất. Trước khi tiếp đất, bé trai còn được các tán cây của cây bằng lăng trong khuôn viên tòa nhà đỡ lại, rất may không nguy hiểm đến tính mạng.
Còn rất nhiều những vụ việc trẻ em rơi từ lan can chung cư, những tòa nhà cao tầng xuống đất và nguy hiểm tới tính mạng. Mặc dù đã được cảnh báo, tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh vẫn ngó lơ với sự an toàn của chính con em mình.
Dấu hỏi cho sự an toàn từ chính tổ ấm?
Trao đổi với phóng viên xung quanh việc thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc trẻ em rơi từ chung cư xuống đất và tử vong. TS Nguyễn Xuân Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam -cho rằng, hiện nay hầu hết các nhà chung cư đều đã được thiết kế theo các quy chuẩn phù hợp. Các lan can của các khu này hầu hết đều ngang ngực người lớn.
Tuy nhiên, đôi khi điều này vẫn chưa thực sự an toàn đối với trẻ. Phía bên trong phòng chủ nhà thường thiết kế giường hoặc bàn ghế sát cửa sổ, nếu nó không được lắp lưới an toàn thì trẻ hiếu động rất dễ tò mò. Hoặc ở lan can trước nhà cũng vậy, chỉ cần đứa trẻ trèo lên một chiếc chậu, hay một vài đồ vật của gia đình tập kết ở góc cũng là nguyên nhân khiến bé lộn cổ xuống.
Để hạn chế tối đa các trường hợp đáng tiếc xảy ra, ông Đạt cho rằng: “Các hộ gia đình không nên kê các đồ hộp, khối hoặc đồ vật dễ di chuyển tại các khu vực lô-gia, hành lang, lan can, cửa sổ của tòa nhà. Bên cạnh đó, phụ huynh phải luôn chú ý tới trẻ con, không được lơ là dù chỉ một phút. Không để các con vui chơi, leo trèo tại các khu vực nguy hiểm”.
Để xảy ra những tai nạn đau lòng cho trẻ em nguyên nhân cả từ hai phía: chủ quan và khách quan. Trách nhiệm trước hết là do người trông coi các em đã làm không tròn trách nhiệm. Trẻ em thường hay tò mò, khám phá và leo trèo nên nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra. Nhiều tai nạn xảy ra khi bố mẹ để trẻ nhỏ ở nhà một mình và ban công của nhà không có lưới bảo vệ, nên các em có thể bị ngã nếu trèo ra đó chơi.
Sự mất an toàn của các khu chung cư còn thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế. Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe.
Từ những vụ việc đau lòng trên, các gia đình hãy “tự cứu” con em mình bằng những phương án bảo đảm an toàn phù hợp: lắp thêm lưới kín lên sát trần nhà; không để bàn, ghế hay vật gì có thể giúp trẻ trèo lên cao ở ban công và tuyệt đối không bao giờ để trẻ dưới 5 tuổi ở nhà một mình. Ban quản lý các chung cư cũng cần tăng cường giám sát, huấn luyện trẻ em về nhận biết nguy hiểm, như: không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia… Để không còn các “vật thể bay” rơi xuống đe dọa các em khi đang vui chơi ở sân, Ban quản lý các tòa nhà cần tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và có hình thức xử lý thật nghiêm đối với những người vi phạm.
Thanh Hoa (tổng hợp)