Những điều không nên bỏ qua khi mua nhà lần đầu
Là dân tỉnh lẻ vào Sài Gòn lập nghiệp, sau nhiều năm vợ chồng anh Hưng đã mua được căn nhà đầu tiên cho mình với 70% vốn vay ngân hàng. Tưởng chừng sẽ thoát cảnh ở trọ nhưng cảm giác vui mừng có nhà mới chỉ kéo dài vài tháng thì gánh nặng trả nợ, lo cho cuộc sống đè nặng.
Mỗi tháng, sau khi trả nợ, vợ chồng anh Hưng phải co kéo cho đủ các chi phí tiền điện nước, tiền học cho con, ăn uống... Chi tiêu trong gia đình cắt giảm tối đa, anh nghĩ cố thắt lưng buộc bụng vài năm, dồn trả bớt được một phần nợ sẽ đỡ lãi vay, cuộc sống sẽ dễ thở hơn.
Nhưng biến cố xảy ra khi mẹ anh ở quê bị bệnh, Hưng lại phải chạy vạy khắp nơi vay tiền chữa bệnh cho mẹ. Vợ chồng anh khi đó không còn bất kỳ khoản dự phòng, tích lũy nào. Áp lực tiền bạc đè nặng, vợ chồng anh đành bán nhà, chuyển ra ở nhà thuê để chăm lo cho gia đình được tốt hơn và chuẩn bị mục tiêu dài hạn, tích lũy mua nhà trong tương lai.
Theo các chuyên gia, bài toán thu nhập là sai lầm mà rất nhiều người khi lần đầu mua nhà mắc phải. Nhiều người liều mua nhà, cho rằng đó là động lực để cố gắng “cày” thêm. Nhưng quá khả năng chi trả, không có những khoản dự phòng trong khi thu nhập không ổn định tạo ra những áp lực, khiến cuộc sống lúc nào cũng mệt mỏi, căng thằng.
Vậy, để tránh mắc sai lầm khi mua nhà lần đầu, người mua cần lưu ý những gì?
Sẵn sàng về tài chính
Khả năng tài chính và sở thích của bạn sẽ quyết định bạn mua nhà loại nào. Để tránh tạo áp lực trả tiền gốc và lãi vay ngân hàng mỗi tháng, trước khi mua nhà lần đầu, người mua cần tính toán thật kỹ bài toán thu nhập của mình.
Theo các chuyên gia tài chính, sau khi trừ đi các khoản chi phí ăn uống, sinh hoạt, con cái,… người mua nhà nên dành khoảng 40% thu nhập để trả tiền vay mua nhà cho ngân hàng mỗi tháng.
Người mua cần có sẵn một số tiền nhất định trước khi mua nhà, ít nhất là 30% giá trị vì thường các ngân hàng chỉ cho vay 70% giá trị theo định giá của họ (đôi khi, mức định giá của ngân hàng thấp hơn giá trị thị trường của căn nhà bạn mua).
Bênh cạnh đó, người mua cũng cần tìm hiểu kỹ về cách tính lãi suất của ngân hàng so với thu nhập bản thân xem có ổn định hay không. Ví dụ, nhiều ngân hàng ban đầu đưa ra lãi suất ưu đãi chỉ 6,5% nhưng sau 6 tháng hay một năm sẽ theo mức lãi suất thả nổi, lên đến 11-12% một năm. Để tránh những rủi ro này, bạn nên tìm hiểu thật kỹ biên độ lãi suất theo từng năm của ngân hàng mình định vay, đồng thời đề nghị phía ngân hàng cung cấp thêm bảng dự báo về lãi suất trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, bạn cũng cần lập một danh sách những điều cần làm trước khi mua nhà như một quỹ dành cho trường hợp khẩn cấp, ít nhất bằng 6 tháng sinh hoạt phí. Một quỹ khẩn cấp như vậy là khoản dự phòng khi bạn đã vay mua nhà và bị mất việc hoặc phải tốn khoản chi phí sửa chữa lớn.
Vị trí, khu vực sinh sống
Đây là yếu tố không thể bỏ qua khi bạn có ý định mua nhà, vị trí ngôi nhà bạn mua phải đảm bảo được các nhu cầu cơ bản của bạn và gia đình.
Bạn cũng nên tìm hiểu khu vực sống xung quanh, yếu tố cần phải được xem xét nhiều lần vào các khoảng thời gian trong ngày: sáng, chiều, tối và trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Lưu ý đặc biệt khả năng thoát nước khi trời mưa, khả năng hấp nhiệt và khả năng bốc mùi khi trời nắng nóng.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu chi tiết các vấn đề liên quan xung quanh như quy hoạch chung của khu vực, an ninh trật tự, tiếng ồn, hàng xóm, điện nước, chợ búa, trường học… và lịch sử của căn nhà cũng như chủ nhà. Tất cả các vấn đề này rất cần thiết, vì đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn nếu bạn quyết định chọn căn nhà đó để sinh sống. Thực tế chỉ cần bỏ vài giờ đồng hồ để tham quan xung quanh cũng như trò chuyện cùng các cư dân ở đó bạn có thể nắm được toàn bộ thông tin.
Kiểm tra kỹ căn nhà
Người mua nên kiểm tra kỹ các mục được ghi nhận trong Giấy chứng nhận. Những mục ghi chú đặc biệt về căn nhà như “các lưu ý khác”, “sơ đồ vị trí” và “nội dung trang bổ sung” cần để ý kỹ, để tránh được những rủi ro về tài sản.
Cần phải kiểm tra thông tin quy hoạch, xem căn nhà đó có dính tranh chấp gì không như tranh chấp với hàng xóm láng giềng, anh em trong nhà,... Bạn có thể đến phòng quản lý đô thị địa phương để xem quy hoạch hoặc kiểm tra tại UBND xã, phường, thị trấn, tổ trưởng tổ dân phố và nhanh nhất là hỏi những người hàng xóm bên cạnh.
Nếu không xem kỹ các vấn đề pháp lý, về sau gặp vướng mắc sẽ dễ xảy ra tranh chấp. Khi nhà vướng pháp lý, bạn muốn bán lại hay chuyển nhượng lại cho người khác cũng rất khó khăn và kén khách mua.
Thương lượng giá cả
Những người bán nhà thường xuyên nói giá cao hơn giá trị thật của nó. Vì vậy, đừng ngại ngần đàm phán, thương lượng về giá cả. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo từ những người có kinh nghiệm hoặc thông tin từ internet để biết mức giá thị trường cho những ngôi nhà tương tự ngôi nhà mà bạn muốn mua.
Đàm phán giá cả nên tiến hành trực tiếp giữa hai bên khách và chủ nhà, môi giới đứng vai trò tư vấn. Căn cứ đàm phán dựa trên mức giá chung của khu vực và những đặc điểm riêng của ngôi nhà.
Sau khi đàm phán thành công, nên lựa chọn một văn phòng công chứng uy tín để thực hiện các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán và các thủ tục pháp lý khác nhanh chóng. Trước khi làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng, pháp lý căn nhà được kiểm tra một lần nữa nên bạn sẽ yên tâm hơn.
Việc thanh toán cần thực hiện tại ngân hàng để có các giấy tờ chứng minh trong trường hợp hợp đồng không được thực hiện vì lý do nào đó.
Ngoài ra, khi đi mua nhà, bạn nên để tiền trong tài khoản, khi mua bán hai bên ra ngân hàng và bên mua chuyển khoản cho bên bán, không mất thời gian kiểm đếm, không sợ tiền giả và không gặp nguy hiểm khi mang số tiền lớn đi đường.
>>>> THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN QUẬN 12 HIỆN NAY “NÓNG” LÊN VÌ SAO?
>>>> Xu hướng nhà ở năm 2019 có gì khác biệt?